Triển vọng ngành Thực phẩm & Đồ uống năm 2025: Tăng trưởng ảnh hưởng bởi tâm lý tiêu dùng thận trọng
25/12/2024

Các bất ổn xung quanh điều kiện bên ngoài khiến chúng tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục chú trọng đến giá cả và ưu tiên các sản phẩm có giá hợp lý. Một vài cuộc khảo sát gần đây cho thấy sự tự tin của người tiêu dùng đang cải thiện, nhưng chỉ có chưa đến một nửa số hộ gia đình kỳ vọng tình hình tài chính sẽ tốt hơn trong vòng 12 tháng tới. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhu cầu về các mặt hàng thiết yếu sẽ phục hồi chậm. Trong khi đó, chúng tôi nhận thấy thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi người tiêu dùng quen với các chương trình giảm giá và giao hàng tận nơi. Làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ thương mại điện tử cũng làm tăng áp lực cạnh tranh.
Chúng tôi nhận thấy một số yếu tố vĩ mô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập hộ gia đình, bao gồm (1) tăng tốc chuyển đổi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam do thuế quan sẽ tác động tích cực tới xuất khẩu và sản xuất, từ đó cải thiện sức mua của người tiêu dùng; (2) sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ thúc đẩy hiệu ứng tài sản; và (3) việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT và tăng lương cho khu vực công. Tuy nhiên, theo dữ liệu của TCTK, chúng tôi cũng quan sát thấy sự chuyển đổi từ cải thiện thu nhập sang phục hồi tiêu dùng thực tế vẫn còn yếu, và người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu thêm.
Đối với ngành bia, chúng tôi cho rằng các thay đổi đề xuất về mức phạt trong Nghị định 100 có thể chỉ tác động nhỏ đến tiêu thụ bia. Theo dự thảo sửa đổi mới nhất của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, có hai thay đổi chính: (1) thay thế hình phạt tước giấy phép lái xe bằng hệ thống điểm phạt; và (2) tăng tiền phạt đối với người điều khiển xe máy. Do đó, chúng tôi cho rằng sẽ cần có thời gian để người tiêu dùng thích nghi với những thay đổi này.
Dự báo doanh thu: Với các yếu tố đã đề cập ở trên, chúng tôi dự báo nhu cầu của ngành sẽ phục hồi khiêm tốn. Chúng tôi dự báo doanh thu thuần sẽ tăng trưởng khoảng 4 – 5% trong năm 2025, riêng MCH chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần sẽ tăng 13%. Tất cả đều được thúc đẩy nhờ tăng trưởng sản lượng thay vì giá bán. Trong giai đoạn 2019-2023, các công ty thực phẩm và đồ uống ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) doanh thu từ -5% đến +2%, so với tốc độ tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2014-2018.
Dự báo lợi nhuận: Trong năm 2024, giá nguyên liệu đầu vào chính ổn định hoặc giảm, ngoại trừ bột sữa nhập khẩu (tăng khoảng 20% từ đầu năm đến nay) do nhu cầu tăng liên tục từ Trung Quốc và lo ngại thời tiết khô hạn ở New Zealand có thể hạn chế sản lượng. Các mặt hàng khác đều giảm giá, bao gồm mạch nha lúa mạch (-17% so với cùng kỳ), bột đậu nành (-28%) và ngô (-11%). Vì các công ty F&B thường chốt giá từ 3-9 tháng trước, đây sẽ là lực đẩy cho việc mở rộng biên lợi nhuận gộp cho SAB và MCH trong năm tới (ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2025) trước các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump và các biện pháp trả đũa có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại. Chúng tôi cho rằng các công ty F&B sẽ không cắt giảm thêm chi phí bán hàng và quản lý do cạnh tranh gay gắt hơn. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng VNM, SAB, và MCH sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 lần lượt là 3%, 10%, và 13%. Trong giai đoạn 2019-2023, các công ty F&B ghi nhận CAGR lợi nhuận ròng là -5%, so với tốc độ 13% trong giai đoạn 2014-2018
Liên hệ ngay
Hãy để chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ bạn
Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký nhận tin cập nhật mới.