Triển vọng ngành Điện năm 2025: Đủ nguồn cung điện trong bối cảnh nhu cầu dự kiến tăng cao
25/12/2024

Năm 2024, Việt Nam không còn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện như năm 2023 trong bối cảnh EVN đã huy động điện than nhiều hơn. Trên thực tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, sản lượng điện than chiếm gần 50% tổng sản lượng điện sản xuất (so với 46% trong 11T2023), trong khi con số tương ứng đối với điện khí giảm xuống còn 7% (so với 10% trong 11T2023). Ngoài ra, để bù đắp một phần sự cạn kiệt nguồn khí hiện tại, PV GAS đã nhập khẩu ~0,4 tỷ m3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) (từ giữa tháng 4 năm 2024) nhằm phục vụ cho mùa cao điểm nhu cầu điện cũng như chạy thử nghiệm nhà máy Nhơn Trạch 3 & 4. Đây là dự án điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam.
Năm 2025, chúng tôi dự báo mức tiêu thụ điện quốc gia sẽ tăng trưởng 10,5%, dựa trên giả định hệ số đàn hồi điện/GDP là 1,5 và ước tính tăng trưởng GDP tương ứng là 7%. Dự báo của chúng tôi cũng gần với kịch bản cơ sở theo kế hoạch của Chính phủ là tăng 11% – 12%.
Mặc dù nhu cầu tăng cao hơn, chúng tôi kỳ vọng nguồn cung sẽ tiếp tục đáp ứng, chủ yếu nhờ việc chuyển đổi sang thủy điện, hoàn thành đường dây 500 kV Mạch 3 và tiếp tục cung cấp đủ than cho sản xuất điện. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rủi ro thiếu điện vẫn tồn tại, do tình trạng cạn kiệt các mỏ khí tiếp diễn, phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung than quốc tế (sản lượng than trong nước có thể không đáp ứng được hết nhu cầu tiêu thụ điện). Theo Bộ Công Thương, trong năm 2024, các nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam đã tiêu thụ ~47,2 triệu tấn than trong nước/than trộn và ~24,1 triệu tấn than nhập khẩu.
Sự phổ biến của hiệu ứng La Nina hoặc hiện tượng thời tiết trung tính sẽ có lợi cho các nhà máy thủy điện. El Nino đã kết thúc vào tháng 5 năm 2024 và dần chuyển sang hiện tượng thời tiết trung tính. Điều này kết hợp với mùa mưa (bắt đầu từ cuối nửa đầu năm 2024) đã hỗ trợ thủy điện với điều kiện thời tiết thuận lợi hơn. Trên thực tế, EVN đã huy động sản lượng thủy điện nhiều hơn kể từ tháng 6. Chúng tôi dự đoán hiện tượng thời tiết này sẽ tiếp diễn hoặc dần chuyển sang La Nina trong năm 2025, qua đó tiếp tục hỗ trợ quá trình phục hồi thủy điện.
Điện than sẽ tiếp tục là nguồn điện quan trọng, vì năng lượng tái tạo phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và các mỏ khí vẫn đang trong tình trạng cạn kiệt. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng giá than trộn sẽ tiếp tục tăng ở Việt Nam, với giá than quốc tế tương đối cao so với giá than trong nước và tỷ trọng than quốc tế trong than trộn kỳ vọng sẽ tăng. Chúng tôi tin rằng triển vọng như trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy điện than.
Chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ trầm trọng hơn trong năm 2025. Cụ thể, lượng cung khí đốt ở Đông Nam Bộ có thể tiếp tục giảm từ 2,8 – 3 tỷ m3/năm trong năm 2024 xuống 2,06 tỷ m3 vào năm 2025. Các mỏ khí đốt tự nhiên của Việt Nam đang cạn kiệt, ảnh hưởng hiệu suất của các nhà máy điện khí cũng như tính ổn định của nguồn điện khí. Để bù đắp một phần cho tình trạng này, Việt Nam đã nhập khẩu LNG vào năm 2024 và chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2025, do chúng tôi dự đoán các nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 (1.624 MW) sẽ đi vào hoạt động. POW, chủ đầu tư của các nhà máy này, đặt mục tiêu vận hành thương mại nhà máy Nhơn Trạch 3 vào tháng 6 và nhà máy Nhơn Trạch 4 vào tháng 9. Chúng tôi kỳ vọng rằng việc đưa vào hoạt động các dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thiếu điện.
Liên hệ ngay
Hãy để chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ bạn
Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký nhận tin cập nhật mới.