Bức tranh Ngành Ngân hàng 2024: NIM tiếp tục chịu áp lực kéo dài
31/03/2025

Tăng trưởng tín dụng năm 2024 khởi đầu chậm nhưng tăng tốc dần về cuối năm, đạt 15,08% YoY và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018
Số liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy sự bứt tốc trong nửa sau của năm 2024, sau khi chứng khiến tốc độ tăng trưởng chậm trong giai đoạn đầu năm. Chỉ riêng trong Q4/2024, tín dụng đã mở rộng hơn 5%. Việc đẩy mạnh tín dụng vào giai đoạn cuối năm đã trở thành một thông lệ, khi xu hướng này liên tục lặp lại trong vài năm gần đây. Mảng cho vay KHDN tiếp tục là động lực chính và tương đối vượt trội hơn so với cho vay KHCN ở hầu hết các ngân hàng trong năm 2024. Một số ngân hàng mạnh về tín dụng KHCN như VPB, VIB, ACB cũng đã xoay trục sang cho vay KHDN để thúc đẩy tín dụng. Cụ thể, tăng trưởng cho vay phân khúc KHDN so với năm 2023 tại VIB (+67%), VPB (+40%) và ACB (+26%). Ngoài ra, HDB, MBB, VCB cũng có mức tăng trưởng cho vay KHDN tốt hơn cho vay KHCN với mức tăng trưởng lần lượt so với năm 2023 là 46,23%, 31,10% và 18,74%. Trong khi đó, nhóm NHTM Quốc doanh như BID và CTG lại cho thấy sự mở rộng sang phân khúc KHCN. Tăng trưởng dư nợ cho vay mảng KHCN trong năm 2024 của BID là 24,33% (so với mức tăng 8,41% của mảng KHDN), CTG là 22,02% ( so với mức tăng 13,72% của mảng KHDN). Hầu hết các ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay doanh nghiệp cao cũng là nhóm có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành.
Trong Q4/2024, chúng tôi nhận thấy việc các khoản vay trung và dài hạn đã phục hồi với 268,7 nghìn tỷ đồng giải ngân mới (+106,5% QoQ), trong khi các khoản vay vốn lưu động vẫn chiếm ưu thế với 292,5 nghìn tỷ đồng nợ tăng thêm trong Q4/2024 (+63% QoQ). Cụ thể, các khoản vay bán buôn & bán lẻ và các ngành nghề thương mại ghi nhận sự phục hồi mạnh trong Q4/2024 ở hầu hết các ngân hàng, trong khi tỷ trọng giải ngân vào các lĩnh vực khác như bất động sản, xây dựng, và cho vay mua nhà cải thiện tại VPB, MBB, HDB, TCB, MSB và TPB. Ngoài ra, các khoản vay dành cho lĩnh vực sản xuất và logistics cũng hồi phục tốt tại MBB (+13,7 nghìn tỷ đồng QoQ) và VIB (+10 nghìn tỷ đồng QoQ). Vay vốn lưu động ở các công ty chứng khoán đã đóng góp nhiều cho tăng trưởng tín dụng của HDB (+57,6% QoQ), VIB (+28,6% QoQ) và TCB (+58% QoQ) với tổng giải ngân đạt ít nhất 18,8 nghìn tỷ đồng trong Q4/2024.
Chất lượng tài sản có sự đồng thuận cải thiện rõ nét trong quý cuối năm 2024
Kết thúc năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đạt 1,92% (giảm 30bps từ mức 2,25% trong Q3/2024) trong bối cảnh tín dụng phục hồi mạnh mẽ vào quý cuối năm. Trong Q4/2024, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu 28 nghìn tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu tại BID (7,6 nghìn tỷ đồng), VPB (6,9 nghìn tỷ đồng), SHB (5,2 nghìn tỷ đồng), VCB (3,9 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ nợ nhóm 2 (chỉ báo sớm của nợ xấu) cũng ghi nhận mức giảm rõ rệt, với mức giảm 12bps so với Q3/2024 và giảm 30bps so với cuối năm 2023. Xét theo từng nhóm ngân hàng, so với quý trước, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm 31bps ở ngân hàng quốc doanh, giảm 60bps ở nhóm NHTMCP lớn, giảm 25bps ở nhóm NHTMCP vừa và giảm 116bps ở các ngân hàng nhỏ. Đối với tỷ lệ hình thành nợ xấu, chúng tôi cũng nhận thấy xu hướng giảm so với năm 2023, ngoại trừ nhóm NHTMCP quy mô vừa – có mức tăng 12bps so với cùng kỳ, kể cả các NHTMCP quy mô nhỏ cũng ghi nhận chất lượng tài sản tăng tích cực. Nhìn chung, nợ xấu phát sinh mới trong Q4/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều quý.
Đi cùng với chuyển biến tích cực của nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cũng có sự cải thiện rõ rệt và duy trì xu hướng tăng trong nửa sau năm 2024. Cụ thể, tỷ lệ LLR toàn ngành trong Q4/2024 đạt 90,67%, tăng 7,63% so với Q3/2024. Mặc dù các ngân hàng đã sử dụng hết bộ đệm dự phòng bổ sung tích lũy trong giai đoạn 2021 – 2022, tỷ lệ LLR đã bắt đầu có tín hiệu hồi phục trở lại. Bên cạnh đó, tỷ lệ hình thành nợ xấu bắt đầu giảm xuống thấp hơn chi phí tín dụng trong Q4/2024, làm giảm áp lực lên chi phí tín dụng hình thành trong tương lai. Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy chất lượng tài sản cải thiện ở hầu hết các ngân hàng và xu hướng này cũng thường lặp lại trong quý 4 khi các ngân hàng đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu.
Khả năng sinh lời toàn ngành chịu áp lực khi biên lãi ròng (NIM) giảm, thu ngoài lãi đóng vai trò bù đắp lợi nhuận
Trong Q4/2024, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực và ghi nhận giảm 18bps so với Q3/2024 và giảm 10bps so với cuối năm 2023, xuống mức 3,31%. Hoạt động tối ưu hóa tài sản sinh lời bằng cách nới tỷ lệ LDR không thể tiếp tục áp dụng trong Q4/2024. Các ngân hàng đã phải tăng cường huy động để củng cố tỷ lệ thanh khoản để đáp ứng cho mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ NIM suy giảm kéo dài trong năm 2024 còn đến từ các nguyên nhân (i) lãi suất huy động tăng dần kể từ Q2/2024 và cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng, làm thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, (ii) tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp gia tăng ở hầu hết các ngân hàng, vốn có lợi suất thấp hơn so với phân khúc KHCN.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từ cuối tháng 11 làm tạo ra ít lãi dự thu cho quý 4 và việc lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp cho các khoản giải ngân mới đã làm lợi suất sinh lời trên tổng tài sản giảm 4 điểm cơ bản so với quý trước trong Q4/2024. Trong bối cảnh đó, lợi nhuận các ngân hàng ngoài việc vẫn đến từ động lực chính là thu nhập từ lãi thuần (NII), thu nhập ngoài lãi đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, thu ngoài lãi Q4/2024 tăng 32% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi các khoản lợi nhuận đột biến đến từ kinh doanh chứng khoán (tăng 66% svck) và thu từ nợ xấu đã xử lý (tăng 164% svck). Trong Q4/2024, các ngân hàng đã nỗ lực thu hồi nợ xấu trong bối cảnh thị trường bất động sản dần phục hồi. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy các ngân hàng hoạt động chủ yếu ở miền Bắc ghi nhận mức thu nhập này cao hơn, bao gồm các NHTM Quốc doanh nói chung, MBB, TCB, VPB, SHB và TPB. Ngoài ra, các ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận lớn từ giao dịch mua bán chứng khoán đầu tư trong Q4/2024 (9,6 nghìn tỷ đồng hoặc 5,3% TOI). Ở khía cạnh khác, nếu chỉ xét riêng nguồn thu từ phí, lại ghi nhận mức giảm 14,13% so với cùng kỳ trong Q4/2024. Thu từ phí đã tăng nhẹ +4,7% svck trong 9T2024 chủ yếu do tài trợ thương mại và sự phục hồi của dịch vụ thẻ, trong khi thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, Luật tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ tháng 7/2024 quy định hoạt động thư tín dụng được xem là hoạt động tín dụng và điều đó làm cho các ngân hàng phải phân loại lại phí tài trợ thương mại thành thu nhập lãi. Do đó, thu từ phí của các ngân hàng đã giảm nhẹ 2% svck tính chung cả năm 2024.
Bộ đệm vốn toàn ngành duy trì tương đối ổn định, áp lực tăng vốn ở nhóm NHTM Quốc doanh ngày càng cấp thiết
Tỷ lệ VCSH hữu hình/Tổng tài sản của các ngân hàng ghi nhận giảm nhẹ trong Q4/2024 với mức giảm 27 điểm cơ bản so với Q3/2024 và giảm 43 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2023. Tốc độ tăng tín dụng mạnh mẽ trong khi hạn chế tăng vốn mới trong quý cuối năm dẫn đến tổng tài sản toàn ngành tăng nhanh hơn vốn hữu hình. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng đẩy nhanh từ cuối tháng 11/2024 tạo ra không quá nhiều lãi dự thu, trong khi các ngân hàng phải giữ hoặc thậm chí tiếp tục giảm lãi suất cho vay làm lợi suất sinh lời trên tài sản giảm nhẹ so với quý trước, từ đó tạo áp lực lên khả năng tích lũy vốn hữu hình thông qua lợi nhuận giữ lại.
Hệ số an toàn vốn (CAR) toàn ngành ổn định nhưng có sự phân hóa rõ rệt: Trong giai đoạn từ 2022 – 2024, hệ số CAR của các ngân hàng duy trì tương đối ổn định qua các năm với mức trung vị toàn ngành quanh 11,83% – 12,27%. Nhóm các NHTMCP lớn và vừa có hệ số CAR dẫn đầu (TCB: 15,3%, VPB: 14,7%, HDB: 14,3%), phản ánh khả năng chủ động tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh (BID, CTG, VCB) mặc dù có quy mô lớn nhất ngành nhưng CAR vẫn duy trì ở mức 9 – 10%, thấp hơn nhiều so với trung vị ngành.
Áp lực tăng vốn duy trì hiện hữu, đặc biệt ở các NHTM Quốc doanh: Nhiều ngân hàng đã bắt đầu triển khai kế hoạch tăng vốn trong năm 2025 thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và phát hành ESOP nhằm gia tăng bộ đệm vốn. Dẫn đầu quy mô tăng vốn là nhóm các NHTM Quốc doanh, khi đang có nhu cầu tăng vốn cao hơn nhiều so với nhóm các NHTMCP còn lại bởi hệ số CAR luôn duy trì tương đối thấp. Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng đều cao hơn trong năm 2025 (tăng trưởng GDP: trên 8%, tăng trưởng tín dụng: 16%) trong đó giải ngân đầu tư công được xem là động lực quan trọng và nhu cầu tài trợ vốn lớn cho các dự án hạ tầng thường đến từ các NHTM Quốc doanh. Vì vậy, để đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tài trợ nhu cầu vốn cho các dự án lớn, các ngân hàng, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh rất cần thiết gia tăng vốn trong thời gian tới.
Nguồn huy động – thanh khoản
Tỷ lệ tiền gửi CASA/tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành duy trì ổn định quanh mức 22%, trong đó có sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm các NHTM Quốc doanh VCB, BID và CTG tiếp tục có tỷ lệ CASA tại thời điểm cuối Q4/2024 dẫn đầu (tăng 1,01% so với cuối 2023) nhờ vào mạng lưới chi nhánh rộng khắp, tệp khách hàng lớn và năng lực chuyển đổi số. Tỷ lệ này ở nhóm NHTMCP quy mô vừa cũng ghi nhận mức tăng nhẹ (tăng 0,87% so với cùng kỳ). Trong khi đó, các NHTMCP lớn và nhỏ lại có sự suy giảm trong tỷ trọng tiền gửi CASA, lần lượt giảm 89 điểm cơ bản và 33 điểm cơ bản so với cùng kỳ 2023. Nhìn chung, các ngân hàng nhỏ có tỷ lệ CASA thấp hơn nhiều so với trung bình ngành và phải huy động với chi phí vốn cao hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng.
Trước bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi ngày càng cao, các ngân hàng đã chủ động đa dạng hóa cơ cấu nguồn vốn thông qua kênh phát hành GTCG và vay Liên ngân hàng. Ngoài việc để gia tăng bộ đệm vốn, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu còn giúp các ngân hàng đảm bảo được tính ổn định trong cơ cấu nguồn với chi phí hợp lý. Trong năm 2024, tỷ trọng nguồn vốn từ GTCG và vay Liên ngân hàng trên tổng huy động ghi nhận mức cao nhất tại nhóm NHTMCP quy mô vừa (33,2%), tiếp đến là NHTMCP lớn (27,3%) và nhóm ngân hàng nhỏ (25,7%), trong khi NHTM quốc doanh chỉ ở mức 16,8% nhờ có nền tảng huy động tiền gửi dân cư vững mạnh.
Tỷ lệ LDR thuần (tổng tín dụng/tổng tiền gửi) của các ngân hàng duy trì ở mức cao trong Q4/2024, đặc biệt tại các NHTM Quốc doanh và NHTMCP lớn. Một số ngân hàng có tỷ lệ LDR trên 100% như VPB, SSB, VIB, TCB, MSB. Việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong khi lãi suất huy động phải giữ ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế đã dẫn đến sự gia tăng chênh lệch giữa tín dụng và huy động kéo dài năm 2024 (12T2024: tín dụng tăng 17,41%, tiền gửi tăng 14,89%). Các ngân hàng đã liên tục nới rộng LDR trong các quý gần đây để tối ưu hóa NIM. Mặt khác, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ có tốc độ tăng tiền gửi còn yếu nhưng chi phí huy động lại cao hơn. Điều này đặt ra thách thức trong việc duy trì NIM bền vững, đồng thời kéo theo áp lực thanh khoản và chi phí vốn tăng trong năm 2025, khi mà nhu cầu tín dụng dự kiến tiếp tục tăng mạnh.














Tải báo cáo
Liên hệ ngay
Hãy để chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ bạn
Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.
Tìm hiểu thêm các giải pháp
Khám phá ngayBài viết liên quan
Xem tất cả
Triển vọng thị trường năm 2025 Những điểm nhấn từ Kế hoạch kinh doanh 2025 của các ngân hàng Các ngân hàng thương mại đã công bố KHKD tại ĐHĐCĐ năm 2025, với nhóm NHTMCP quy mô nhỏ đặt mục tiêu LNTT cao nhất (tăng 106% svck, trừ NVB), NHTMCP quy mô vừa (tăng 20%

Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh 22.5% YoY, tuy nhiên chất lượng lợi nhuận chưa thực sự cao Một số ngân hàng nhỏ (ABB, BVB, NVB, VBB), vừa (LPB, SSB) và lớn (VPB) có mức tăng trưởng vượt trội (trên 70% svck) do mức nền lợi nhuận thấp của
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký nhận tin cập nhật mới.