Triển vọng Ngành Ngân hàng năm 2025: Cân bằng giữa Tăng trưởng và Hiệu quả
30/05/2025

Triển vọng thị trường năm 2025
Những điểm nhấn từ Kế hoạch kinh doanh 2025 của các ngân hàng
Các ngân hàng thương mại đã công bố KHKD tại ĐHĐCĐ năm 2025, với nhóm NHTMCP quy mô nhỏ đặt mục tiêu LNTT cao nhất (tăng 106% svck, trừ NVB), NHTMCP quy mô vừa (tăng 20% svck), NHTMCP quy mô lớn (tăng 17% svck), trong khi đó nhóm NHTM Quốc doanh hiện chỉ có VCB được phê duyệt tăng trưởng LNTT với mức khiêm tốn +3,5% svck. BID và CTG vẫn đang đợi phê duyệt kế hoạch LNTT từ NHNN, đồng thời BID đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng lợi nhuận từ 6 – 10% trong năm nay. Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng lớn ACB, TCB, MBB, và STB đã đặt kế hoạch kinh doanh năm 2025 tương đối thận trọng hơn, trong khi VPB, HDB, và OCB có kế hoạch tăng trưởng mạnh hơn (tuy nhiên hầu hết vẫn chưa tính đến rủi ro mức thuế đối ứng cao từ Mỹ). Mặc dù dư nợ tín dụng dự kiến tăng mạnh ở một số ngân hàng như HDB (+32% svck), MBB (+12,7% svck), MSB (+20% svck), tăng trưởng LNTT thấp hơn một chút (HDB: +27%, MBB: +10%, MSB: +16%) phản ánh giả định NIM thận trọng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh đã và đang gia tăng.
Về chất lượng tài sản, nhóm ngân hàng quốc doanh tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung (dưới 1,4-1,8%), trong khi nhóm NHTMCP phấn đấu kiểm soát nợ xấu dưới 2-3% tùy từng ngân hàng cụ thể. Để duy trì việc tăng vốn, hầu hết các ngân hàng lựa chọn không trả cổ tức tiền mặt. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy số lượng ngân hàng trả cổ tức bằng tiền có sự gia tăng so với năm trước (bao gồm LPB, VIB, ACB, MBB, VPB, TPB và OCB) cho thấy sự cân bằng giữa lợi ích hiện tại cho cổ đông và chiến lược dài hạn. Trong khi đó, một số ngân hàng khác (đặc biệt tại nhóm NHTM Quốc doanh như VCB, BID) có đề cập tới tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ và áp lực phải duy trì tăng vốn khá cao trong thời gian tới.
Một xu hướng mới đáng chú ý trong năm nay là kế hoạch đẩy mạnh mảng quản lý tài sản (Wealth Management) của các ngân hàng. Một số ngân hàng lớn như VPB, TCB lên kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, trong khi STB, MSB dự kiến mua công ty chứng khoán trong năm nay nhằm mở rộng hệ sinh thái tài chính. Bất chấp những thách thức từ môi trường kinh tế, tiềm năng của lĩnh vực quản lý tài sản tại Việt Nam là rất lớn. Theo báo cáo của McKinsey, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của tài sản tài chính cá nhân tại Việt Nam giai đoạn 2011 – 2021 đạt 15%, vượt xa mức tăng trưởng 7% tại các nước châu Á khác. Dự kiến đến năm 2027, thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam có thể đạt quy mô 600 tỷ USD, tăng mạnh từ mức 360 tỷ USD cuối năm 2022 – tương ứng với tốc độ tăng trưởng 11% mỗi năm. Ngành ngân hàng đang đứng trước cơ hội lớn để thâm nhập sâu vào lĩnh vực này, nhờ vào lợi thế sẵn có đến từ mạng lưới phân phối và tệp khách hàng rộng lớn. Việc tích hợp thêm các sản phẩm tài chính (bảo hiểm, chứng khoán) vào hệ sinh thái sẽ giúp các ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính toàn diện hơn cho khách hàng, hướng tới mở rộng mô hình quản lý tài sản. Chúng tôi cho rằng xu hướng này đặc biệt quan trọng nhằm đa dạng hóa, tăng nguồn thu từ phí và giảm phụ thuộc vào thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong bối cảnh NIM bị thu hẹp và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Nhìn chung, KHKD cho năm 2025 được đưa ra từ các ngân hàng ở mức tích cực vừa phải trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và bất định, xuất phát từ yếu tố bên ngoài (rủi ro thuế quan) và áp lực nội tại khi NIM bị thu hẹp. Những ngân hàng có bộ đệm vốn vững chắc, lợi thế về chi phí vốn và chất lượng tài sản ổn định sẽ có khả năng duy trì tăng trưởng tốt hơn so với các ngân hàng khác trong năm 2025.
Tăng trưởng tín dụng
Năm 2025, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 16% (cao hơn so với mức tăng trưởng 15,08% của năm 2024 và ở mức cao so với các năm gần đây) để đồng hành cùng với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%.
Bước sang năm 2025, chúng tôi nhận thấy có những điểm sáng để tín dụng cho vay mua nhà tăng trưởng tốt hơn so với năm trước, từ đó dẫn dắt đà tăng trưởng mảng cho vay khách hàng cá nhân. Thứ nhất, nhiều ngân hàng triển khai gói vay ưu đãi mua nhà với mức lãi suất thấp hơn so với cuối năm 2024. Điểm tích cực là các gói vay này ở một số ngân hàng có tính hấp dẫn và thực tế hơn cho người vay khi thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi lên đến 3 năm, cụ thể ở các ngân quốc doanh AGR, BID (xem bảng 2). Thứ hai, theo số liệu từ CBRE, nguồn cung căn hộ dự kiến mở bán mới tiếp tục tăng mạnh ở khu vực phía Bắc (khoảng 31.200 căn) và có sự cải thiện ở khu vực phía Nam (khoảng 9.000 căn, tăng 78% so với năm 2024). Mặt khác, chúng tôi cũng lưu ý đến vấn đề mặt bằng giá nhà hiện neo ở mức cao và đã vượt qua khả năng chi trả của đại đa số người dân. Do đó, đà phục hồi của thị trường bất động sản có thể chỉ xuất hiện rõ nét hơn khi nền kinh tế có dấu hiệu bứt phá mạnh mẽ trở lại.
Chúng tôi cho rằng tín dụng tiêu dùng cá nhân sẽ từng bước phục hồi trong năm nay nhưng sẽ không có nhiều đột phá. Tăng trưởng tín dụng năm 2025 vẫn sẽ đến từ dư nợ cho vay phân khúc khách hàng doanh nghiệp với các động lực truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công, hạ tầng và sản xuất – những động lực tăng trưởng chủ chốt của năm 2025 mà Chính phủ và NHNN đang đẩy mạnh. Do đó, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ đạt 16% so với đầu năm trong năm 2025.

Chất lượng tài sản
Năm 2025, chúng tôi kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phục hồi nhẹ, góp phần cải thiện tâm lý thị trường và thu hút dòng vốn đầu tư mới – đặc biệt ở thị trường miền Nam sau thời gian dài giao dịch trầm lắng, từ đó cải thiện dòng tiền cho các chủ đầu tư dự án. Với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết các nút thắt trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi cũng kỳ vọng một số dự án bị đình trệ do vướng pháp lý sẽ được giải quyết và khởi công lại trong năm nay, từ đó sẽ hỗ trợ ngân hàng trong việc thúc đẩy người mua nhà trả nợ. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là vấn đề về dòng tiền của chủ đầu tư bất động sản và niềm tin của người mua nhà và nhà đầu tư. Nếu chủ đầu tư tiếp tục không hoàn thiện được hợp đồng mua bán và/hoặc không bàn giao nhà đúng tiến độ, nợ xấu nhóm khách hàng cá nhân có thể sẽ tăng. Một yếu tố khác chúng tôi cũng lưu ý là các doanh nghiệp SME vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trong dòng tiền hoạt động, do môi trường kinh doanh chưa thực sự cải thiện rõ nét và cầu tiêu dùng nội địa còn yếu. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán ngân hàng của nhóm này, qua đó cũng tiềm ẩn rủi ro gia tăng nợ xấu. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng đã giảm về mức 1,12% trong năm 2024 (từ mức 1,23% của năm 2023) – chủ yếu do các ngân hàng không còn trích lập mạnh như giai đoạn trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đã giảm từ trên 130% trong giai đoạn 2021 – 2022 xuống còn khoảng hơn 90% cuối năm 2024. Chúng tôi cho rằng các ngân hàng sẽ từng bước nâng tỷ lệ LLR trở lại để củng cố bộ đệm rủi ro và vì thế, chi phí tín dụng dự kiến sẽ không tiếp tục giảm trong năm nay.
Nhìn chung, chúng tôi nhận định chất lượng tài sản của toàn ngành có thể cải thiện nhẹ trong năm 2025 từ mức 1,92% của năm 2024. Biến số về mức đánh thuế của hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể ảnh hưởng nhiều vào nửa cuối năm, đồng thời khả năng hấp thụ của người mua trên thị trường Bất động sản vẫn là một rủi ro chính khi nguồn cung đang tập trung nhiều vào phân khúc cao cấp. Mặc dù vẫn còn những thách thức, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tâm lý thị trường và môi trường kinh doanh sẽ dần phục hồi trở lại.

Khả năng sinh lời
Biên lãi ròng (NIM) chịu sức ép kéo dài khi chi phí vốn khó có thể cải thiện mặc dù tăng trưởng tín dụng dự kiến cao hơn trong năm 2025. Chúng tôi cho rằng cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng sẽ làm hạn chế khả năng chuyển phần tăng của chi phí huy động sang khách hàng cho vay, đặc biệt ở nhóm các NHTMCP. Trong bối cảnh đó, một số ngân hàng đã triển khai chiến lược sản phẩm sinh lời tự động (hay tài khoản thanh toán có lãi, tài khoản gắn với đầu tư tự động…) nhằm cạnh tranh thu hút CASA với mức lãi suất cao hơn một chút so với lãi tiền gửi không kỳ hạn truyền thống. Điển hình như sản phẩm “Sinh lời tự động 2.0” của TCB, “Super sinh lời” của VPB, “Siêu lợi suất” của VIB và “Sinh lời Lộc Phát” của LPB. Nhìn chung, mục tiêu chính của các ngân hàng khi triển khai sản phẩm này là để mở rộng số dư CASA, từ đó giảm mặt bằng chi phí vốn. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng thiết kế sản phẩm không tối ưu hoặc không kiểm soát tốt về mức lãi suất hoặc các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất sản phẩm, có thể dẫn đến nguy cơ tăng chi phí vốn và gây ảnh hưởng lên NIM.
Bên cạnh đó, sức ép lên NIM còn đến từ nguyên nhân các ngân hàng phải giữ hoặc thậm chí tiếp tục giảm lãi suất cho vay khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi cũng như theo định hướng của Chính Phủ. Nhóm ngân hàng nhỏ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn do năng lực huy động tiền gửi yếu hơn và phụ thuộc nhiều vào vốn liên ngân hàng. Nhìn chung, chúng tôi nhận định NIM sẽ tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. NIM dự kiến ổn định ở nhóm NHTM Quốc doanh và ngân hàng lớn nhờ vào lợi thế về chi phí vốn cũng như tiềm năng gia tăng thị phần khi nhu cầu tín dụng tiếp đà hồi phục. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh có thể ghi nhận áp lực giảm NIM cao hơn so với nhóm NHTMCP lớn, do nhóm này triển khai các gói vay tín dụng ưu đãi cho cá nhân và doanh nghiệp theo định hướng của NHNN và Chính phủ ở quy mô lớn hơn. Trong khi đó, nhóm NHTMCP vừa và nhỏ sẽ ghi nhận mức giảm NIM rõ rệt hơn khi chi phí huy động vốn tăng dần và áp lực cạnh tranh lãi suất cho vay. Do đó, chúng tôi ước tính NIM toàn ngành sẽ giảm nhưng sẽ có sự khác biệt giữa NHTM quốc doanh và ngân hàng lớn (dao động nhẹ) và các NHTMCP quy mô vừa và nhỏ (giảm 10-15 điểm cơ bản) trong năm 2025.
Trong điều kiện NIM chịu áp lực suy giảm, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó thu từ việc đẩy mạnh thu hồi nợ xấu sẽ là động lực chính. Các ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận lớn từ các khoản thu xử lý nợ xấu trong năm 2024 (tăng 15.959 tỷ đồng hoặc +71% svck). Chúng tôi dự báo thu nhập này duy trì xu hướng tăng trong năm 2025 khi các ngân hàng tiếp tục tăng tốc thu hồi nợ xấu, đặc biệt nếu như luật hóa nghị quyết 42 được thông qua. Ngược lại, chúng tôi đánh giá tăng trưởng thu từ hoạt động dịch vụ sẽ tương đối kém khả quan do các yếu tố (i) cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ngân hàng trong việc thu hút khách hàng bằng cách cung cấp sản phẩm và dịch vụ ở mức phí thấp hơn, (ii) hoạt động ngân hàng bảo hiểm (bancassurance) mặc dù đã hồi phục nhưng khó có thể đóng góp lợi nhuận lớn như giai đoạn trước năm 2022. Ở khía cạnh khác, việc đồng USD/VND tăng mạnh trong năm 2024 cũng đã giúp thu nhập từ giao dịch ngoại hối của các ngân hàng có sự tăng trưởng nhẹ (+8,9% svck). Chúng tôi dự báo thu nhập này duy trì khả quan trong năm 2025, khi mà tỷ giá USD/VND được kỳ vọng tiếp tục biến động. Trong khi đó, lợi nhuận từ mua bán chứng khoán đầu tư sẽ duy trì ổn định và khó tăng đột biến trong năm 2025 khi lãi suất khó có dư địa giảm, làm hạn chế khả năng hiện thực hóa lợi nhuận từ chênh lệch giá mua – bán của các ngân hàng.
Cập nhật KQKD Q1/2025
Tăng trưởng tín dụng trong Q1/2025 ghi nhận khởi đầu khá tích cực, đạt mức tăng 3,8% so với đầu năm – cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 (+1,9%) và chỉ thấp hơn một chút so với Q1/2023 (+3,9%). Mức tăng trưởng tín dụng cao xuất hiện ở đa số các ngân hàng, phản ánh nỗ lực của toàn ngành trong việc thúc đẩy tín dụng ngay từ đầu năm đi cùng với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% do Chính Phủ đề ra. Tuy nhiên, điểm chưa tích cực là chi phi vốn toàn ngành đã tăng 19 điểm cơ bản so với cuối năm 2024, trong khi lợi suất tài sản bình quân ghi nhận mức giảm nhẹ 3 điểm cơ bản.
Chất lượng tài sản suy giảm trở lại. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành tăng từ mức 1,92% cuối Q4/2024 lên mức 2,1% trong Q1/2025, với mức tăng không đồng đều giữa các ngân hàng. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể bao gồm TPB, OCB, SGB, VPB – phần lớn là các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao và kể cả nhóm quốc doanh như BID, CTG. Nợ nhóm 2 cũng gia tăng rõ rệt tại nhiều ngân hàng như VAB, SGB, HDB, BVB, TPB và LPB. Trong khi chất lượng tài sản suy giảm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) toàn ngành tại thời điểm cuối Q1/2025 lại giảm mạnh về mức 80% (từ mức 91% cuối năm 2024) và là mức thấp nhất kể từ năm 2018. Trong đó, LLR đặc biệt giảm mạnh ở các ngân hàng quốc doanh BID, CTG và một số NHTMCP như TPB, MBB, HDB.
NIM tiếp tục bị thu hẹp. Trong Q1/2025, NIM toàn ngành giảm về mức 3,31% – là mức thấp nhất kể từ năm 2019 – tương ứng giảm 12 điểm cơ bản svck. Nhóm ngân hàng quốc doanh và NHTMCP lớn có mức NIM bị thu hẹp mạnh nhất, lần lượt giảm 12 điểm cơ bản và 10 điểm cơ bản svck. Nguyên nhân một phần do kể từ cuối năm 2023, các NHTM quốc doanh đã tung ra nhiều gói cho vay với lãi suất ưu đãi khiến các NHTMCP cũng phải điều chỉnh theo để duy trì khả năng cạnh tranh. Ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thu ngoài lãi để bù đắp phần nào cho việc suy giảm NIM. Trong đó, các khoản thu từ nợ xấu đã xử lý duy trì mức tăng mạnh (+44% svck) và phần lớn nguồn thu này tiếp tục đến từ các ngân hàng hoạt động chủ yếu ở miền Bắc, bao gồm NHTM Quốc doanh nói chung, MBB, TCB, VPB, SHB và TPB.
Tải báo cáo
Liên hệ ngay
Hãy để chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ bạn
Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.
Tìm hiểu thêm các giải pháp
Khám phá ngayBài viết liên quan
Xem tất cả
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 khởi đầu chậm nhưng tăng tốc dần về cuối năm, đạt 15,08% YoY và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018 Số liệu tăng trưởng tín dụng cho thấy sự bứt tốc trong nửa sau của năm 2024, sau khi chứng khiến tốc độ tăng trưởng

Lợi nhuận trước thuế các ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh 22.5% YoY, tuy nhiên chất lượng lợi nhuận chưa thực sự cao Một số ngân hàng nhỏ (ABB, BVB, NVB, VBB), vừa (LPB, SSB) và lớn (VPB) có mức tăng trưởng vượt trội (trên 70% svck) do mức nền lợi nhuận thấp của
Đăng ký nhận bản tin
Đăng ký nhận tin cập nhật mới.