Bản tin Kinh tế Vĩ mô Quý 1/2025
21/04/2025

Hoạt động sản xuất và tiêu dùng tăng trưởng khả quan trong Quý 1
Tăng trưởng GDP đạt 6,93% so với cùng kỳ trong Quý 1/2025, đây là mức tăng cao nhất trong các Quý 1 kể từ năm 2020 (Biểu đồ 1). Kết quả khả quan này chủ yếu đến từ động lực tăng trưởng từ nhóm ngành sản xuất và du lịch, khi nhiều ngành chủ chốt như công nghiệp chế biến chế tạo (+9,3%), dịch vụ lưu trú ăn uống (+9,3%), xây dựng (+8%), vận tải kho bãi (+9,9%) cùng đạt mức tăng trưởng tốt. Điều này được khẳng định thêm bởi mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao và lượng khách quốc tế đến ghi nhận mức cao kỷ lục.
Cụ thể, xuất khẩu tăng 14,5% và nhập khẩu tăng 19% so với cùng kỳ trong tháng 3, và thặng dư thương mại Quý 1 duy trì ở mức 3,15 tỷ USD. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh trước thềm chính sách thuế quan mới của Mỹ được áp dụng, có thể thấy rõ điều này khi giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng vọt 32,3% trong tháng 3, và xuất siêu vào thị trường này đạt tới 27,3 tỷ USD trong Quý 1, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh 24,7% trong Quý 1.
Lượng khách quốc tế ghi nhận mức cao kỷ lục đạt 6 triệu khách trong Quý 1, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm trước, thúc đẩy bởi khách du lịch Trung Quốc phục hồi mạnh với mức tăng 78% so với cùng kỳ, vượt Hàn Quốc để lấy lại vị trí số 1 trong các thị trường du lịch của Việt Nam, chiếm 26,4% tổng lượng khách quốc tế trong Quý 1/2025 so với mức 19,2% trong Quý 1/2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 7,5% sau khi đã loại trừ lạm phát, mặc dù vẫn còn thấp so với giai đoạn trước dịch Covid, đây là mức cao nhất trong 18 tháng gần đây, cho thấy hoạt động bán lẻ đã có bước phục hồi đáng kể (Biểu đồ 5).
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế vẫn còn một số điểm nghẽn ở các ngành như bất động sản, khai khoáng, sản xuất và phân phối điện cần được khơi thông để thúc đẩy tăng trưởng chung. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ đề ra, cần thêm nhiều biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong các quý cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh thách thức từ bên ngoài đang tăng mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Ổn định vĩ mô được duy trì nhưng áp lực đang gia tăng
Nhìn chung, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt trong quý đầu năm với mức tăng 3,22% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống ổn định (+3,78%) và giá xăng dầu có xu hướng giảm (-2,4%). Thuốc và dịch vụ y tế là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất (+14,4%) nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu chỉ số. Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm với mức giảm từ 0,1% – 1%/năm tùy kỳ hạn, điều này phù hợp với chỉ đạo của NHNN nhằm duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Trên thị trường ngoại hối, giá trị đồng USD suy yếu đáng kể từ đầu năm 2025 do những lo ngại nền kinh tế tăng trưởng chậm lại cùng triển vọng thương mại bất ổn mà chính sách thuế quan của Thổng thống Trump tạo ra, chỉ số DXY đã giảm mạnh từ 108 điểm về dưới 100 điểm. Tuy vậy, đồng VND vẫn giảm so với đồng USD, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 2% từ đầu năm và lần đầu vượt ngưỡng 26.000 VND. Trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đã về rất thấp chỉ khoảng 2,4 tháng nhập khẩu, NHNN sẽ khó có thể can thiệp mạnh vào việc ổn định tỷ giá. Diễn biến của tỷ giá và lãi suất sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới dưới sự ảnh hưởng từ các động thái của Chính phủ Mỹ.
Tâm điểm chú ý của thị trường ở thời gian này là biến động giá vàng trên cả thị trường quốc tế và trong nước. Giá vàng bắt đầu tăng mạnh kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine leo thang và tiếp tục tăng từ đầu năm 2024 khi giá vàng vượt mốc 2.000 USD/ounce. Tới thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đã chạm mốc 3.300 USD/ounce, tăng 27% kể từ đầu năm 2024, trong khi giá vàng trong nước lần đầu chạm ngưỡng 120 triệu đồng/lượng, tăng gần gấp đôi trong vòng 2 năm. Như vậy vàng đã vượt S&P 500 trở thành một trong những kênh cất giữ tài sản có lời nhất kể từ đầu 2023 (Biểu đồ 11).
Thách thức và cơ hội từ chính sách thuế quan của Mỹ thời kỳ Trump 2.0
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump đã công bố sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng với 180 nền kinh tế nhằm giải quyết thâm hụt thương mại lớn, và tái thiết ngành sản xuất trong nước. Bên cạnh mức thuế 10% được áp dụng chung cho tất cả các quốc gia, các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn, có hiệu lực từ ngày 9/4/2025, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%. Sau khi nhiều quốc gia ngỏ ý đàm phán, Tổng thống Trump đã quyết định tạm hoãn áp các mức thuế đối ứng trong 90 ngày đối với hầu hết quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc bị nâng thuế lên mức 145% trong khi Trung Quốc cũng áp mức thuế 125% với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Đây không phải lần đầu tiên chiến tranh thương mại nổ ra. Trong thương chiến Mỹ – Trung lần thứ nhất vào năm 2018, Việt Nam đã nổi lên là quốc gia được hưởng lợi khi các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu để giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc. Cán cân thương mại tổng thể của Việt Nam đã tăng từ 6,8 tỷ USD vào năm 2018 lên 24,8 tỷ USD vào năm 2024, riêng xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng gấp 3 lần từ 34,8 tỷ USD vào 2018 lên 104,4 tỷ USD vào năm 2024.
Chính sách thuế quan lần này ảnh hưởng tới nhiều quốc gia và sẽ có tác động sâu rộng hơn đến thương mại toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong ngắn hạn và thậm chí đảo ngược quá trình toàn cầu hóa vốn được thực hiện mạnh mẽ trong các thập kỷ gần đây. Chúng tôi cho rằng Việt Nam cũng không tránh khỏi tác động trong ngắn hạn, các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và giải ngân chậm lại, tác động tới tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tuy nhiên khi đứng trước thách thức mới, Việt Nam có động lực để cải tổ ngành sản xuất trong nước, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đồng thời cần xây dựng mô hình kinh tế cân bằng hơn, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để xây dựng được nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt hơn.
Kỳ vọng tích cực về kỷ nguyên mới hậu sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy Chính phủ
Theo Nghị quyết số 176/2025/QH15 của Quốc hội đã được thông qua, cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ giảm còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành), đồng thời tinh gọn lại tổ chức bên trong các bộ, ngành. Cùng với đó, Nghị quyết 60-NQ/TW đã quyết định giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 về 34 đơn vị, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, xóa bỏ chính quyền cấp huyện. Đồng thời, các bộ ngành, địa phương cũng được yêu cầu giảm tối thiểu 20% số lượng nhân sự.
Đây có thể coi là cải cách lớn nhất của Việt Nam kể từ sau cải cách Đổi mới vào năm 1986, với kỳ vọng tinh gọn bộ máy, mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, giúp chính quyền giải quyết trực tiếp và hiệu quả các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, từ đó hướng tới mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Cải cách lần này đặc biệt có ý nghĩa khi nền kinh tế cần phải chuyển mình linh hoạt trước những biến động của thuế quan từ Mỹ và vai trò đầu tàu tăng trưởng từ Đầu tư công càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc gỡ vướng các vấn đề tồn đọng kéo dài của thị trường Bất động sản cũng sẽ giúp khơi thông được nguồn lực từ thị trường này để hỗ trợ tăng trưởng.






Tải báo cáo
Liên hệ ngay
Hãy để chuyên viên tư vấn của chúng tôi hỗ trợ bạn
Bằng cách đăng ký, bạn đồng ý với Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.
Tìm hiểu thêm các giải pháp
Khám phá ngayĐăng ký nhận bản tin
Đăng ký nhận tin cập nhật mới.